Chào mừng bạn đến kho tài liệu độc quyền của chúng tôi

Những thay đổi quan trọng của bộ Luật Lao Động 2019

HỢP ĐỒNG

1/ Chỉ còn 2 hợp đồng lao động

Từ năm 2021, hợp đồng lao động thời vụ sẽ được bỏ, chỉ còn hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

2/ Có thể ký hợp đồng lao động có thời hạn nhiều lần với người quá tuổi hưu

3/ Bổ sung, thay đổi các trường hợp người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do:

Đã bổ sung trường hợp: Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Nếu bạn là nhà tuyển dụng, đây là một thay đổi trong luật lao động 2019 bạn cần biết và lưu ý. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin trung thực khi ký kết hợp đồng với nhân viên. Chính vì vậy hãy làm rõ những vấn đề liên quan đến công việc mà nhân viên của bạn yêu cầu được biết, như về công việc, địa điểm làm việc, thời giờ làm việc, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,... khi giao kết hợp đồng.

Và bỏ các trường hợp:

  • Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
  • Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
  • Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục

4/ Hợp đồng lao động bằng lời nói có thời hạn không quá 1 tháng

5/ Hợp đồng lao động có thời hạn trong vòng 1 tháng không có thời gian thử việc

6/ Hợp đồng lao động qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị tương đương hợp đồng lao động bằng văn bản

7/ Thêm các trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

  • Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
  • Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
  • Người lao động cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Đặc biệt, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho người lao động trong trường hợp:

  • Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quay trở lại làm việc sau khi việc tạm hoãn hợp đồng lao động kết thúc;
  • Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

8/ Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong trường hợp

  • Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
  • Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
  • Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

9/ Người sử dụng lao động không được sử dụng hợp đồng lao động để trừ nợ

10/ Hợp đồng lao động còn có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau

  • Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
  • Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, hoặc khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã
  • Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
  • Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc

THỜI GIAN LÀM VIỆC VÀ NGÀY NGHỈ

1/ Tăng số ngày nghỉ lễ

Từ năm 2021, vào ngày kỉ niệm Quốc Khánh, người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày, tăng tổng số ngày nghỉ lễ lên 11 ngày.

2/ Thêm điều kiện nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương

Trong bộ luật mới, các trường hợp hiếu hỉ của con nuôi và bố mẹ nuôi đã được thêm vào, cụ thể như sau:

  • Bố mẹ nuôi của bản thân chết; bố mẹ nuôi của vợ/chồng chết; con nuôi chết: nghỉ 3 ngày
  • Con nuôi kết hôn: nghỉ 1 ngày

3/ Tăng giờ làm thêm

Số giờ làm thêm đã được tăng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng theo bộ luật lao động 2019.

4/ Tăng tuổi nghỉ hưu

Từ năm 2021, độ tuổi hưu sẽ được cộng thêm 3 tháng cho nam và 4 tháng cho nữ, để đến năm 2028, tuổi nghỉ hưu sẽ được tăng lên thành 62 cho nam và 60 cho nữ.

5/ Thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động không được tính vào giờ làm việc, trừ trường hợp làm việc theo ca từ 6 tiếng trở lên

6/ Thời gian học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động tối đa là 3 tháng

7/ Bổ sung quy định về thời gian thử việc đối với người lao động

Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

LƯƠNG THƯỞNG

1/ Có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền

2/ Người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền khi trả lương qua tài khoản ngân hàng

Đây lại là một thay đổi trong luật lao động 2019 bạn cần biết, nếu bạn là người sử dụng lao động. Bạn có thể sẽ phải trả thêm một khoản phí khi tuyển dụng nhân viên mới nếu họ chưa có tài khoản ngân hàng.

3/ Người sử dụng lao động không được can thiệp vào việc chi tiêu lương của người lao động

Các hành động này bao gồm ép hoặc cấm người lao động dùng lương để mua hàng hóa, dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác.

4/ Khi trả lương, người sử dụng lao động phải gửi bảng kê chi tiết cho người lao động (các khoản tiền được nhận và khấu trừ)

5/ Nhà nước không can thiệp vào việc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp

6/ Người sử dụng lao động có thể thưởng cho nhân viên bằng tiền, tài sản, hoặc các hình thức khác (không chỉ bằng tiền)

CÁC VẤN ĐỀ KHÁC

1/ Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 1 năm/lần và các trong các trường hợp

  • khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc
  • khi xây dựng, thay đổi phương án sử dụng lao động
  • khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động
  • khi công khai quy chế thưởng, ban hành, bổ sung, thông báo nội quy lao động
  • khi tạm đình chỉ công việc

2/ Sửa đổi, bổ sung các trường hợp đình công bất hợp pháp

3/ Thêm định nghĩa về hành vi phân biệt đối xử trong lao động và hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Nguồn: Tổng hợp.

Share: